8 Lưu ý khi dùng máy tính làm nguồn phát nhạc
Trong những năm gần đây, máy tính (desktop, laptop) ngày càng được sử dụng nhiều để làm nguồn phát cũng như lưu trữ nhạc nhờ khả năng nâng cấp dễ dàng và dung lượng lưu trữ lớn. Tuy nhiên, không phải dân chơi nhạc số nào cũng hiểu rõ ưu nhược điểm của việc dùng máy tính làm nguồn phát nhạc cho một dàn âm thanh nghe nhạc, xem phim của mình.
1. Các tranh cãi khi dùng máy tính làm nguồn phát nhạc
Nếu đã từng có ý định sử dụng máy tính làm nguồn phát nhạc chuyên dụng, chắc hẳn người dùng sẽ gặp phải rất ý kiến trái ngược nhau. Trong nhiều năm qua, các tín đồ âm thanh đã từng đưa ra những ý kiến như sau:
- Máy tính sử dụng cơ chế sửa lỗi (error correction), vì thế nâng cấp nguồn điện không tạo ra sự khác biệt.
- Nếu như cổng USB đầu vào là dạng bất đồng bộ (asynchronous), mọi nhiễu jitter và lỗi đọc bit dữ liệu sẽ bị loại bỏ.
- Nếu như đầu ra của máy tính được đếm xung lại (reclock), mọi nhiễu jitter và lỗi đọc bit dữ liệu sẽ bị loại bỏ.
- Nếu như phần mềm chơi nhạc được tạo bộ nhớ đệm (buffer) trên RAM, mọi tín hiệu đầu ra từ máy tính đều là bit-perfect.
- Pin/ắc quy đều là nguồn thuần dòng một chiều, điều này khiến chúng trở thành nguồn cấp điện tối ưu cho bất cứ thiết bị nào.
- Các nguồn cấp điện dạng siêu tụ (Super Cap) không kết nối với lưới điện xoay chiều, vì thế chúng tạo ra nhiễu ồn ở mức thấp nhất.
- Càng nâng độ phân giải lên cao bao nhiêu, nhạc sẽ càng nghe hay bấy nhiêu.
- CPU càng nhanh, độ phân giải càng cao thì nhạc sẽ càng hay.
Dù cho các nhận định trên vẫn có một chút yếu tố nền tảng là sự thật, chúng đều chưa thực sự hoàn thiện, thậm chí còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau. Loạt bài viết này chính là để giải thích cũng như giúp người đọc hiểu hơn về những ngộ nhận trên. Lưu ý rằng vì mục đích phổ biến đến hầu hết người đọc, một số khái niệm và kiến thức sẽ được đơn giản và khái quát hóa.
2. Bit perfect là gì?
Trước khi nghiên cứu sâu hơn, chúng ta cần xác định lại khái niệm “bit perfect” để độc giả không bị nhầm lẫn. Thuật ngữ “bit perfect” là một thuật ngữ kỹ thuật dùng để mô tả các dạng giao tiếp digital bao gồm một chuỗi quá trình kiểm thử và sửa sai, đảm bảo rằng dữ liệu nhận được ở thiết bị thu sẽ giống như dữ liệu truyền đi từ nguồn phát. Điều này cho phép người dùng tải một file về từ một server ở một nơi rất xa mà vẫn đảm bảo rằng dữ liệu được gửi về máy tính giống như dữ liệu ban đầu.
Tất nhiên, không như hầu hết quá trình truyền phát dữ liệu khác, file nhạc thường được chơi trong thời gian thực. Vậy nên nếu sử dụng các thiết bị giao tiếp digital (chẳng hạn như streamer, modem hay router) vốn có khả năng quét và sửa lỗi, chúng sẽ không có thời gian để làm điều đó, dẫn đến việc các dữ liệu bị lỗi vẫn giữ nguyên và được gửi ngay tới thiết bị tiếp theo.
Khi thuật ngữ “bit perfect” được dùng để nói về phần mềm, nó có thể hơi dễ gây hiểu nhầm chút, vì “bit perfect” ám chỉ bất cứ thứ gì xuất ra từ máy tính đều không bị thay đổi so với dữ liệu của file nhạc gốc. Trường hợp này thì không như vậy. Bit perfect khi nói về phần mềm chơi nhạc lại mang nghĩa là phần mềm chơi nhạc sẽ không thay đổi dữ liệu một cách có chủ đích trước khi giải mã và stream chúng.
Nếu như phần mềm chơi nhạc quả thực đảm bảo được rằng dữ liệu xuất khỏi máy không xuất hiện lỗi bit, vậy tất cả các phần mềm chơi nhạc bit perfect sẽ phải có chất âm giống nhau. Thế nhưng điều này chưa từng xảy ra. Chính xác hơn, một phần mềm chơi nhạc có thể hoạt động ở chế độ bit perfect, lúc này sẽ không có bất cứ thuật toán nào được sử dụng để thay đổi dữ liệu nhạc gốc.
3. Nguồn điện có độ nhiễu thấp ảnh hưởng thế nào tới hiệu năng?
Mọi giao tiếp của máy tính đều phải trải qua một hệ thống kiểm thử và sửa lỗi (check sum). Nếu như có một gói dữ liệu không đạt yêu cầu, một gói dữ liệu mới sẽ được gửi đi để thay thế. Độ nhiễu ồn của nguồn điện càng thấp, lượng lỗi dữ liệu cũng sẽ giảm đi, từ đó lượng dữ liệu cần thay thế cũng sẽ ít dần, tiết kiệm được một lượng tài nguyên để dành cho các tác vụ khác.
Có thể thấy một nguồn điện sạch hơn cũng đem đến hiệu quả giống như việc xử dụng bộ xử lý nhanh hơn, ổ cứng quay với tốc độ cao hơn hay có nhiều RAM hơn. Khi trang bị nguồn nhiễu ồn thấp cho music server dựa trên nền tảng máy tính, kết quả là chất lượng âm thanh sẽ được cải thiện với độ chi tiết, độ sâu và độ động tốt hơn.
Cũng cần lưu ý rằng các bộ nguồn chuyển mạch phát ra một lượng nhiễu ồn rất lớn, ảnh hưởng đến tín hiệu ở bất cứ dây cáp hay thiết bị nào trong phạm vi gần, đồng thời cũng tác động đến mạch điện xoay chiều của bất cứ thiết bị nào cắm chung cùng mạng điện lưới.
4. Các máy chơi nhạc dùng RAM làm bộ nhớ đệm có phải bit perfect không?
Dữ liệu được tạo bộ nhớ đệm trên RAM quả thực là bit perfect, nhưng bản thân RAM không phải là điểm cuối cùng của chuỗi thiết bị audio. Lỗi dữ liệu vẫn có thể xảy ra giữa RAM và vùng bộ nhớ đệm đầu ra, và giữa vùng bộ nhớ đệm đầu ra với DAC. Không như hầu hết các giao tiếp máy tính khác, dữ liệu nhạc rời khỏi máy thông qua cổng USB, Firewire và optical thường có tính đơn hướng (chỉ xuất ra chứ không quay lại), không được đệm bộ nhớ quá nhiều và không được sửa lỗi tại DAC.
Bên cạnh đó, các tài nguyên dùng để sửa các dữ liệu lỗi vốn được tạo bộ nhớ đệm ở RAM sẽ khiến máy tính hoạt động chậm hẳn, khiến cho hiệu năng trình diễn trở nên bất thường, không còn mượt mà nữa. Vì vậy, việc giảm thiểu quá trình sửa lỗi ở khâu tạo bộ nhớ đệm ở RAM bằng cách dùng nguồn cấp điện có độ nhiễu ồn thấp là điều rất quan trọng.
5. Đếm lại xung dữ liệu USB từ máy tính có giảm nhiễu jitter và lỗi đọc bit không?
Đếm lại xung dữ liệu (reclocking) và tạo bộ nhớ đệm (buffering) cho dữ liệu nhạc từ cổng USB có thể loại bỏ nhiễu jitter và cải thiện hiệu năng trình diễn bằng cách loại bỏ các nhiễu ồn, dọn các sóng vuông từ tín hiệu digital và tạo đủ bộ nhớ đệm cho các vòng lặp xung.
Những điều kể trên cho phép đọc các gói dữ liệu sửa lỗi trong giới hạn của vòng lặp xung. Quá trình này giảm thiệu lỗi đọc của các bước tiếp theo, nhưng không sửa được các dữ liệu bị lỗi sẵn từ trước. Khi có dữ liệu lỗi, nếu thiết bị đếm lại xung và tạo bộ nhớ đệm không có giao thức hai chiều tích hợp cùng khả năng sửa lỗi, các bit dữ liệu lỗi vẫn được gửi đến tầng thiết bị tiếp theo.
6. Các thiết bị streaming có bit perfect không?
Các thiết bị streaming nhận dữ liệu từ máy tính trong cùng mạng nội bộ, có thể thông qua cáp Ethernet hoặc Wi-Fi. Như vậy chúng có chung giao thức kiểm thử và sửa lỗi gống như các thiết bị dùng Ethernet và Wi-Fi khác, đảm bảo rằng thiết bị sẽ không gửi đi các dữ liệu bị lỗi. Tất nhiên, ở giao tiếp máy tính thông thường, quá trình sửa lỗi được thực hiện trước khi dữ liệu được gửi đi. Nhưng với dữ liệu nhạc lại có ngoại lệ nhất định. Dữ liệu nhạc được đếm xung đồng bộ với tốc độ nhạc, nghĩa là nếu dữ liệu sửa lỗi không kịp gửi đi đúng lúc, thiết bị sẽ cho các dữ liệu bị lỗi đi qua.
Đối với các thiết bị streamer và Network Audio Adapters (NAA) của audiophile, vấn đề thường gặp nhất lại đến bộ nguồn chuyển mạch (SMPS) với giá thành thấp đi cùng sản phẩm. Những bộ nguồn chuyển mạch này có thể gây ra lỗi dữ liệu tại tầng đầu ra của streamer ngay cả khi đầu vào của thiết bị đã được sửa lỗi. Đó là lý do vì sao việc thay thế bộ nguồn chuyển mạch bằng pin/ắc quy hoặc các bộ nguồn tuyến tính góp phần cải thiện đáng kể hiệu năng trình diễn của các thiết bị streamer.
7. Cổng đầu vào USB dạng bất đối xứng (asynchronous USB) có loại bỏ nhiễu jitter, từ đó tạo thành âm thanh bit perfect không?
Các giao tiếp bất đối xứng vốn là quá trình truyền phát dữ liệu không sử dụng tín hiệu đếm xung bên ngoài. Điều này cho phép dữ liệu được truyền thành từng hồi chứ không phải thành luồng ổn định. Nó không chỉ cho phép xuất hiện bitrate khác nhau cùng một lúc mà còn loại bỏ được việc sử dụng bộ thu và bộ phát để từ đó có tốc độ đếm xung được đồng bộ hóa.
Các giao tiếp digital dạng bất đối xứng không phải thứ gì đó quá mới mẻ. Ngay cả những giao thức lỗi thời từ cách đây hàng chục năm như RS-232C cũng đã sử dụng loại giao tiếp này. Việc đưa giao thức bất đối xứng lên cổng đầu vào USB vì thế cũng không phải là thứ công nghệ gì quá mới mẻ.
Như đã nói ở trên, hầu hết giao tiếp máy tính đều có tính hai chiều và phải đi qua hệ thống kiểm thử, sửa lỗi. Khi nguồn phát gửi gói dữ liệu, thiết bị nhận sẽ kiểm tra gói này và yêu cầu gửi lại gói dữ liệu sửa lỗi. Vì giao tiếp USB bất đồng bộ cho audiophile có tính một chiều, khi lỗi dữ liệu xuất hiện thì việc sửa lỗi hoàn toàn bất khả thi.
Việc kết hợp giữa đếm xung bất đối xứng và tạo bộ nhớ đệm có thể loại bỏ jitter do tác động bất thường trong quá trình gửi, nhưng không thể sửa được dữ liệu lỗi từ trước. Mặc dù USB dạng bất đồng bộ có thể đem đến âm thanh hài hòa, giàu nhạc tính hơn, nếu như nó không có tính hai chiều thì sẽ không có chế độ sửa lỗi và không đảm bảo được dữ liệu bit perfect.
8. Có phải pin/ắc quy cung cấp dòng điện thuần một chiều không?
Dù tốt hơn các bộ nguồn chuyển mạch đi cùng với nhiều thiết bị audio, video và máy tính, hiệu năng của pin không thể so sánh với hiệu năng của một nguồn cấp tuyến tính với độ nhiễu ồn cực thấp được.
Pin/ắc quy thường sử dụng phản ứng hóa học để tạo ra dòng điện một chiều, và mỗi phản ứng từ mỗi loại pin/ắc quy sẽ lại có đặc điểm nhiễu ồn riêng có thể nghe được. Đó là lý do vì sao có những loại pin đặc biệt như LiO4 có thể đem đến chất âm tốt hơn so vowispin SLA. Mức độ nhiễu ồn của pin cũng thay đổi đáng kể ở mỗi quá trình khác nhau trong chu trình sạc và xả, khiến pin trở thành nguồn cấp điện với chất âm không có sự nhất quán. Bên cạnh đó, pin cũng phải thay thế sau vài năm sử dụng, khiến chi phí không hề thấp chút nào.
Đồng thời, pin/ắc quy cũng có đáp tuyến động chậm hơn nhiều so với mạch cấp nguồn tuyến tính, vì thế chúng không phản ứng kịp với những thay đổi tức thời về mặt dòng điện. Đáp tuyến động chậm hơn cũng dẫn đến việc chất âm của pin có phần chậm hơn, độ động thấp hơn, thiếu chính xác hơn khi so sánh với mạch nguồn tuyến tính.
Nếu quả thực pin có độ nhiễu ồn thấp nhất, các đơn vị quân đội, ngành hàng không và thông tin liên lạc đã sử dụng chúng ở nhiều ứng dụng khác nhau chứ không phải chỉ cho mỗi các thiết bị di động và bộ lưu điện (UPS).
9. Vậy còn siêu tụ (super cap) thì sao?
Siêu tụ được thiết kế để có lượng điện dung (micro farad) cao trong một khối thể tích nhỏ. Đó là lý do chúng có chữ “siêu” ở trong tên. Các siêu tụ được thiết kế để duy trì bộ nhớ CMOS trong máy tính khi nguồn điện xuất hiện trục trặc. Vì thế, các siêu tụ chưa từng được sử dụng để làm mạch nguồn vĩnh viễn cho các thiết bị audio.
Trong quá trình xả tụ, điện áp đầu ra sẽ thay đổi đáng kể. Như vậy khi mạch kiểm soát quá trình sạc đổi giữa dãy sạc và dãy xả, dãy siêu tụ đã sạc đầy sẽ có điện áp cao hơn hẳn xo với dãy xả. Điều này sẽ gây ra hiện tượng răng cưa với các đỉnh và đáy rất sắc khi biểu diễn trên biểu đồ.
Ngược lại, nguồn điện tuyến tính có điện áp nhất quá với các xung động (do nhiễu ồn gây ra) tương đối nhẹ. Các mạch nguồn này không đòi hỏi phải có nhiều bộ lọc bổ sung để loại bỏ xung động giống như bộ lọc răng cưa dành cho mạch nguồn sử dụng dãy siêu tụ kép.
Bên cạnh đó, siêu tụ cũng có độ bền tương đối thấp. Tuổi thọ ước tính của siêu tụ chỉ khoảng 3 năm, do đó thời gian bảo hành cho loại tụ này cũng không bao giờ vượt quá 3 năm. Ngược lại, một mạch nguồn tuyến tính được thiết kế tốt có thể tồn tại rất lâu, có thể lên đến hàng chục năm liền.
Và cuối cùng, thứ chúng ta nghe được từ mạch nguồn thực chất là từ bộ điều chỉnh cuối (final regulator) dùng để sửa lại điện áp đầu ra, đồng thời dọn bất cứ xung động nào còn sót lại từ dòng điện một chiều. Hầu hết các mạch nguồn dùng siêu tụ chỉ dùng IC điều chỉnh nhiễu ồn thấp với giá rẻ, với hiệu năng khá khiêm tốn. Những mạch nguồn cao cấp hơn có thể sẽ sử dụng module điều chỉnh Belleson với độ nhiễu ồn cực thấp, độ động cực cao – một trong những bộ điều chỉnh tốt nhất trong ngành công nghiệp audio. Không chỉ có độ nhiễu ồn thấp, đáp tuyến động của nó còn cực kỳ nhạy, chỉ mất chưa đến 10uS để từ trạng thái 0 cho đến khi dòng đầu ra lên đến trạng thái trọn vẹn, đảm bảo dòng một chiều sạch và ổn định dù cho điều kiện về dòng thay đổi như thế nào.
Ở những mạch nguồn tuyến tính cực cao cấp, chẳng hạn như dòng Illuminati của thương hiệu Mojo, hãng sản xuất thậm chí còn đặt bộ lọc dùng cuộn cản ở đầu vào. Khi thêm cuộn cản (choke) giữa chỉnh lưu và tụ điện đầu tiên của mạch nguồn, hệ số đỉnh (crest factor) nhiệt và độ mài mòn linh kiện sẽ giảm khoảng 50%. Cuộn cản cũng hoạt động giống như bộ tích điện và tiền điều chỉnh dòng một chiều, từ đó tăng gấp đôi hiệu quả cho tầng lọc kế tiếp.
Cho đến nay, việc sử dụng siêu tụ cho các thiết bị audio vẫn còn là điều gì đó rất xa vời. Các yếu tố như giá thành, độ bền, sự tiện lợi và đặc điểm về chất âm khiến cho việc sử dụng siêu tụ để làm mạch nguồn các thiết bị audio trở nên bất khả thi.
10. Nâng tần số lấy mẫu có làm tăng độ phân giải của file nhạc?
Việc nâng tần số lấy mẫu hoàn toàn không thể làm tăng độ phân giải của một file nhạc. Thông thường, nâng tần số lấy có hai mục đích: cung cấp nhiều biến thể khác nhau của từng bit để cải thiện hiệu năng với số lượng lỗi bit ít hơn, và để đẩy nhiễu lượng tử ra khỏi phạm vi tần số nghe được, từ đó cho phép thiết lập các bộ lọc digital tinh vi hơn tại tầng đầu ra của DAC.
Nhờ vào việc nâng tần số lấy mẫu, hiệu năng của DAC Delta Sigma dùng thuật toán sửa lỗi cũng sẽ được cải thiện rõ rệt do số lượng điểm dữ liệu giống nhau để đọc và kiểm tra tăng lên. Điều này cho phép loại bỏ lỗi bit hiệu quả hơn vì có nhiều điểm dữ liệu để làm phép chia trung bình hơn. Vấn đề nằm ở chỗ các thuật toán sửa lỗi thường tạo nội suy hơn là giải mã nhạc để tạo ra chất âm “sạch”, nhưng càng làm mượt bao nhiêu thì độ chính xác càng kém đi và chất âm cũng trở nên thiếu mất sự hài hòa?
Như vậy, thay vì sửa lỗi bằng thuật toán nội suy, chúng ta có thể hạn chế lỗi bằng cách sử dụng nguồn cấp điện với độ nhiễu ồn thấp hơn.
Việc nâng tần số lấy mẫu để đẩy nhiễu lượng tử vượt ra khỏi khoảng tần số nghe được là một điều rất khả thi. Tất nhiên nó sẽ hoạt động hiệu quả nhất trên DAC Delta Sigma single-bit dùng để giải mã file DSD, tốt hơn hẳn so với DAC dùng thang R-2R vốn để giải mã file PCM. Trong khi file PCM có nhiễu lượng tử quanh tần số lấy mẫu vốn cao hơn tối thiểu 1 quãng tám so với khoảng khoảng số nghe được, file DSD64 SACD hoặc PCM chuyển đổi thành DSD từ DAC Delta Sigma lại có nhiễu lượng tử quanh dải 25kHz, ngay trên khoảng tần số nghe được. Đây là lý do vì sao khi dùng DAC Delta Sigma single bit để chuyển đổi file DSD64 SACD sang DSD128 hay DSD256, ta có thể cảm nhận được sự khác biệt rất lớn.
11. CPU cao cấp hơn, nhiều nhân xử lý và tốc độ cao hơn có cải thiện hiệu năng không?
CPU càng nhanh, mức năng lượng tiêu thụ sẽ càng nhiều hơn, từ đó sinh ra lượng nhiễu ồn trong hệ thống lớn hơn và vì thế càng dễ gây ra lỗi bit hơn. Sử dụng CPU có tốc độ cao hơn yêu cầu để hoạt động music server vì thế cũng đồng nghĩa với việc khiến chất lượng của nhạc trở nên kém hơn.
Hầu hết các phần mềm chơi nhạc của audiophile chỉ sử dụng một nhân của CPU. Sử dụng CPU đa nhân vì thế sẽ rất lãng phí, đồng thời cũng góp phần tạo ra nhiễu khiến chất lượng nhạc đi xuống. Vì thế sử dụng một CPU dual core có hiệu năng cao luôn là lý tưởng nhất.
Trái với các tác vụ thông thường luôn đòi hỏi phải sử dụng một CPU mạnh để xử lý, việc dùng CPU Core i7 hoặc cao cấp hơn không đem đến lợi ích thiết cho audiophile. Chữ “i” trong i7 vốn là để ám chỉ tập lệnh chỉ dẫn, vốn không được sử dụng bởi bất cứ phần mềm chơi nhạc nào. Ưu điểm duy nhất của những CPU cao cấp hơn đối với music server chỉ là có nhiều cache hơn. Nhưng một CPU dual core hiệu năng cao với 3MB cache cũng đã được coi là quá đủ đối với bất cứ phần mềm chơi nhạc nào.
Ngoại lệ duy nhất trông trường hợp này là các phần mềm cao cấp, có khả năng tận dụng ưu thế về tốc độ cũng như số lượng lõi của các CPU hiện đại, chẳng hạn như HQ Player. Các phần mềm tương tự HQ Player có thể chuyển sang chế độ nâng tần số lấy mẫu cực cao cho cả PCM và DSD. Có một vài DAC được tối ưu hóa cho luồng dữ liệu siêu dày này, thế nhưng con số này thực ra không nhiều. Và khi audiophile cho rằng “nâng tần số lấy mẫu cao hơn làm cho chất âm hay hơn”, trên thực tế họ đang nói về việc music server với CPU có hiệu năng cực cao sẽ nghe hay hơn với quá trình nâng tần số lấy mẫu bổ sung. Việc họ đang làm về bản chất là đưa thêm một lượng nhiễu ồn vào thông qua việc dùng một CPU siêu nhanh, sau đó loại bỏ đi một phần nhiễu ồn thông qua thuật toán sửa lỗi. Do đó, trái với các tác vụ khác, các CPU tốt để làm music server thường có độ nhiễu ồn thấp, đem đến chất âm hài hòa, giàu nhạc tính. Ngoài ra, motherboard đơn giản, tiêu thụ ít năng lượng cũng sẽ gây ra ít nhiễu ồn hơn và đem đến hiệu năng trình diễn tốt hơn. Suy cho cùng, tránh để lỗi phát sinh vẫn tốt hơn là sửa lỗi.
12. Cách thiết lập tốt nhất cho music server dựa trên nền tảng máy tính là gì?
Yếu tố quan trọng nhất để hạn chế nhược điểm của các music server, streamer và network audio adapter dựa trên nền tảng máy tính là giảm thiểu lượng nhiễu ồn từ nguồn cấp điện. Khi đã giảm nhiễu ồn nguồn điện xuống mức tối thiểu, sóng vuông của tín hiệu digital sẽ trở nên rõ hơn, từ đó lỗi đọc dữ liệu sẽ ít hơn, không phải sửa lỗi nhiều và vì thế cũng ít jitter hơn.
Và điều quan trọng không kém là càng nâng cấp nhiều, hiệu năng sẽ càng cải thiện. Chúng ta có thể điểm qua một số nâng cấp như sau:
- Sử dụng CPU, motherboard có hiệu năng cao với số lượng tính năng ở mức tối thiểu.
- Cách ly các bo mạch, module, ổ cứng và card PCI-e khỏi mạch nguồn cấp điện.
- Nâng cấp RAM bằng cách sử dụng RAM có độ trễ thấp, hiệu năng cao, tối thiểu là 8GB (CAS 9 hoặc loại tốt hơn).
- Sử dụng card SSD SLC mSATA dung lượng thấp (64GB) hoặc ổ SSD 2.5 inches cho hệ điều hành và phần mềm chơi nhạc.
- Sử dụng ổ cứng SSD MLC dung lượng cao hoặc hệ thống NAS/RAID có ổ SSD MLC để chứa thư viện nhạc.
- Các thiết bị ổ cứng ngoài, switch, router hay converter nên được cấp nguồn độc lập từ một mạch nguồn tuyến tính với độ nhiễu ồn thấp.
- Sử dụng dây interconnect đã được bọc chống nhiễu cho các thiết bị nội vi cũng như ngoại vi.
- Đưa dữ liệu nhạc đầu vào, dữ liệu đầu ra và lệnh điều khiển phần mềm lên một data bus độc lập. · Tắt các giao thức không dây chưa sử dụng như hồng ngoại, Bluetooth và WiFi.
- Nếu muốn kết nối Wi-Fi, hãy dùng một adapter ngoài và tắt card Wi-Fi trong máy.
- Màn hình, bàn phím và chuột chỉ sử dụng khi thiết lập hệ thống. Trong quá trình chơi nhạc, hãy sử dụng một thiết bị di động và phần mềm điều khiển, chẳng hạn như các phần mềm thông qua giao thức UPnP.
- Các sản phẩm chống rung và cộng hưởng cũng có tác dụng đối với máy tính, nguồn điện, bộ chuyển đổi và ổ cứng.
- Bên cạnh đó, ta có thể sử dụng thêm các vật lọc bọc chống nhiễu EMI/RFI cho các IC, dây cáp và phần vỏ ngoài hệ thống.
- Tối ưu hóa hệ điều hành để cải thiện hiệu năng trình diễn.
- Đối với thư viện nhạc có dung lượng thấp hơn 4TB, người sử dụng có thể dùng một ổ SSD để lưu trữ toàn bộ mọi thứ. Với thư viện lớn hơn, nên sử dụng hệ thống NAS/RAID ngoài có ổ SSD và được cấp nguồn từ nguồn điện có độ nhiễu cực thấp.
- Nếu không thể mua ổ SSD để lưu trữ nhạc, hãy sử dụng ổ HDD được tối ưu hóa để chơi nhạc hoặc video 24/7. Các ổ HDD đã được tối ưu hóa thường được dùng giám sát chuyên nghiệp và có khả năng tự tinh chỉnh. Dù không tạo ra hiệu ứng nghe được, khi chế độ tự tinh chỉnh tự kích hoạt, hiện tượng mất dữ liệu và lệch thời gian có thể xảy ra.
13. Làm thế nào để kiểm tra hệ thống?
Một trong những cách đơn giản nhất để kiểm tra xem hệ thống âm thanh dựa trên nên tảng máy tính có đang trong tình trạng bit perfect hay không là sử dụng hai dây cáp digital khác nhau, một dây giá rẻ và một dây đắt tiền chất lượng chuẩn audiophile.
Nếu như có thể nghe được sự khác nhau khi đổi dậy, như vậy hệ thống đang chưa sử dụng quy trình sửa lỗi ở các tầng cuối cùng và chưa đem đến dữ liệu bit perfect không lỗi đến DAC. Nếu như tầng đầu vào digital trên DAC thực hiện sửa lỗi dữ liệu, ngay cả một dây cáp digital rẻ tiền cũng sẽ nghe gần giống với dây cáp đắt tiền chất lượng tốt hiện nay.
Ngoài ra, có một cách khác để chứng minh mức độ ảnh hưởng của nhiễu ồn từ nguồn điện đến hiệu năng trình diễn, đó là sử dụng bộ lọc nguồn. Nếu như chất âm hệ thống được cải thiện khi dùng lọc nguồn, ta có thể chắc chắn rằng nhiễu ồn đang gây ra lỗi dữ liệu. Tất nhiên việc nâng cấp mạch nguồn bình thường lên nguồn tuyến tính chất lượng cao cũng sẽ cải thiện hiệu năng một cách rõ rệt.
Tương tự như vậy, ta có thể chứng minh tác động của nguồn điện lên hệ thống audio máy tính bằng cách thay thế bộ nguồn chuyển mạch của thiết bị hoặc nguồn cắm tường với pin LIO4 hoặc bộ nguồn tuyến tính. Nếu như hệ thống có sự cải thiện sau khi nâng cấp, có thể thấy rằng nhiễu ồn từ nguồn điện đang ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh do gây ra nhiều lỗi dữ liệu hơn.
Nguồn: Nguyễn Hào – Tạp Chí Hifi