Để có thể hiểu được tần số đáp ứng của loa là gì, chúng ta sẽ tìm hiểu qua về âm thanh và cấu tạo của loa. Từ đó hiểu được tần số đáp ứng của loa và cách lựa chọn loa phù hợp với mục đích nghe nhạc khác nhau.
1. Khái niệm âm thanh
Âm thanh là các dao động cơ học của các phân tử, nguyên tử hay các hạt làm nên vật chất và lan truyền trong vật chất như các sóng. Âm thanh, giống như nhiều sóng, được đặc trưng bởi tần số, bước sóng, chu kỳ, biên độ và vận tốc lan truyền.
Đối với thính giác của người, âm thanh thường là sự dao động, trong dải tần số từ khoảng 20 Hz đến khoảng 20000 Hz của các phân tử không khí. Lan truyền trong không khí, va đập vào màng nhĩ, làm rung màng nhĩ và kích thích bộ não.
2. Nguồn gốc của sóng âm thanh
Âm thanh là do vật thể rung động phát ra tiếng và lan truyền đi trong không khí. Tai ta có thể nghe được âm thanh là do màng nhĩ. Màng nhĩ được nối liền với hệ thống thần kinh.
Một ví dụ cụ thể nhất để hiểu sóng âm thanh là gì. Đó là nếu như ta cham tay vào dây đàn. Dây đàn sẽ phát ra tiếng và sẽ tắt tiếng khi dây đàn hết rung. Tai của ta có thể nghe được tiếng đàn là do sóng âm thanh của dây đàn truyền đến.
Âm thanh từ vật thể phát ra được lan truyền vào không khí. Vào tới tai và rung màng nhĩ theo đúng nhịp điệu của vật thể phát ra tiếng. Vì vậy mà ta mới nghe được âm thanh.
3. Cách tái tạo lại âm thanh qua loa
Âm thanh do con người hoặc các nhạc cụ… phát ra được truyền qua không khí đến micro, tại đây các dao động này được micro chuyển thành tín hiệu điện. Các tín hiệu này tiếp tục qua các hệ thống amply, EQ, crossover để khuếch đại và xử lý, rồi truyền tín hiệu đến loa. Tại đây, tín hiệu điện sẽ chuyển thành các dao động cơ học của màng loa để tái tạo lại âm thanh. Chi tiết các bạn có thể tham khảo trên wiki, tuy nhiên điều quan trọng nhất cần hiểu là âm thanh mà loa phát ra chính là do màng loa dạo động (rung) và tác động lên không khí, lan truyền đến tai, làm rung màng nhĩ.
Và đối với mỗi kích thước khác nhau của màng loa thì sẽ tái tạo lại tốt nhất âm thanh ở một số tần số nhất định, đó là lí do tại sao người ta chia ra thành các loại loa bass, loa mid và loa treble. Nếu bạn để ý thì loa bass thường có kích thước lớn nhất, sau đó đến loa mid và loa treble thường nhỏ nhất. Cũng giống như bạn chơi đàn ghita, hoặc căng một sợi dây và gảy nó; dây càng dài thì âm thanh phát ra càng trầm và dây càng ngắn thì âm càng cao.
Do đó, người ta phải chế tạo các loại loa có kích cỡ và đặc tính khác nhau để phù hợp với từng dòng nhạc nhất định. Tuy nhiên, về cơ bản, có ba loại loa chính là loa trầm (bass), trung (mid) và cao (treble).
4. Tần số đáp ứng của loa
Tần số đáp ứng của loa là đại lượng cho biết loa đó có khả năng phát các âm thanh trong dải tần số nào.
Ví dụ loa có tần số đáp ứng là 30 Hz – 20 kHz tức là nó có thể biểu diễn âm trầm nhất là 30 Hz và âm cao nhất là 20 kHz. Tùy từng nhu cầu nghe nhạc của bản thân mà người dùng có thể lựa chọn loại loa dải tần số đáp ứng phù hợp. Dưới đây là dải tần số của các loại âm thanh:
Tần số âm Bass (âm trầm)
Dải tần số Bass lại được chia nhỏ ra thành:
- Âm Bass thấp (Deep bass): ~ 20Hz – 80Hz
- Âm Bass trung: ~ 80Hz – 320Hz
- Âm Bass cao (High bass) : ~ 320Hz – 500Hz
Đây là dải tần số thường bị đánh giá sai lệch nhiều nhất trong âm thanh. Người nghe thiếu kinh nghiệm thường nhầm lẫn giữa “độ sâu” và “cường độ” của âm Bass. Loa Bass có tần số âm càng thấp nghe càng căng tròn ngay cả với những âm thanh nhỏ nhẹ như đơn giản tiếng gió thổi, tiếng nước…
Tần số âm Mid (trung âm)
Đây là dải tần số phổ biến nhất trong tự nhiên (giọng nói con người, tiếng sóng biển, tiếng kêu của đa số loài động vật, âm thanh trong sinh hoạt hàng ngày…), đôi tai chúng ta nhạy cảm nhất và cũng đánh giá chính xác nhất ở dải tần số này. Một âm Mid được coi là tốt khi có sự rõ ràng, chi tiết, trong trẻo.
- Low mid : ~ 500Hz – 1kHz
- Mid : ~ 1kHz – 2kHz
- High mid : ~ 2kHz – 6kHz
Tần số Treble (âm cao)
Có dải tần số âm thanh trải dài từ khoảng 6kHz đến 20kHz (tai người thường nghe tới 17kHz), âm treble góp phần làm tăng độ chi tiết, tươi sáng, sắc bén của mọi âm thanh ta nghe thấy. tiếng treble “ngon” sẽ không bị quá “bén” hoặc chói gắt, mà sẽ thánh thót và trong vắt. Theo nghiên cứu của những hãng âm thanh hàng đầu trên thế giới thì ở những tần số siêu âm (cao hơn 20kHz) con người tuy không nghe được những vẫn “cảm nhận” được, góp phần làm gia tăng “cảm xúc” khi nghe nhạc. Do đó nên các tai nghe hoặc loa có thể phát ra tần số cực cao, có khi hơn 40kHz.
Bên cạnh đó, cùng với loa là phải lựa chọn amply, mic phù hợp. Nếu có nhu cầu chọn một bộ loa hát karaoke cho gia đình, bạn có thể tham khảo thêm cách lựa chọn một dàn karaoke phù hợp.
5. Kết luận về tần số đáp ứng
Tóm lại, khi chọn loa, ngoài công suất cần quan tâm đến tần số đáp ứng:
- Tần số đáp ứng là khả năng biểu diễn dải âm thanh của loa
- Loa có dải âm thanh càng lớn thì có thể chơi nhiều dòng nhạc, nhiều loại âm thanh hơn.
- Tùy từng thể loại nhạc mà chọn được loa có tần số đáp ứng phù hợp nhất với nhu cầu.